Dự báo về nhu cầu điện của miền Bắc trong cao điểm nắng nóng năm 2024

 – Theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC): Trong 3 tháng đầu năm 2024, phụ tải điện tại 27 tỉnh, thành phố miền Bắc tiếp tục tăng cao. Công suất cực đại (Pmax) 3 tháng đầu năm đạt cao nhất là 15.271 MW, tăng khoảng 9,3% so với cùng kỳ.

Theo dự báo của EVNNPC: Các tháng hè năm 2024, có tới 5/27 địa phương tại miền Bắc có mức tăng trưởng Pmax từ 15% trở lên; 10 địa phương có mức tăng trưởng từ 10 – 15% và 12 địa phương có mức tăng trưởng dưới 10%.

Như vậy, dự báo Pmax vào các tháng cao điểm hè năm 2024 của EVNNPC có thể đạt 17.343 MW – 17.915 MW (tương ứng kịch bản thấp – cao); tăng trưởng tương ứng 9,6% – 13.2% so với Pmax năm 2023 (15.819 MW).

So với nguồn khả dụng các tháng còn lại của năm 2024 (theo công bố của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia – A0), thì nguồn điện cho 3 tháng hè có thể gây ra nhiều thách thức trong việc cân bằng công suất tại một số giờ cao điểm trong kịch bản kiểm tra.

Để giảm áp lực cho hệ thống điện ngay từ đầu năm, EVNNPC đã phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh chương trình tiết kiệm điện theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ với nhiều hoạt động về tiết kiệm điện; chỉ đạo doanh nghiệp lớn có kế hoạch sản xuất phù hợp hạn chế sử dụng công suất lớn vào mùa hè; vận động khách hàng ký thoả thuận Chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) và tuyên truyền tiết kiệm điện. Mặt khác, tiếp tục thực hiện các chương trình tiết kiệm điện thường niên như: Giờ Trái đất, Gia đình tiết kiệm điện, Trường học chung tay tiết kiệm điện…

Tổng công ty cũng đã chỉ đạo các công ty điện lực thực hiện các giải pháp như:

– Tăng cường kiểm tra hệ thống điện, khắc phục khiếm khuyết.

– Hoàn thành công tác sửa chữa, chống quá tải.

– Làm việc với các khách hàng lớn để thống nhất kế hoạch điều chỉnh phụ tải năm 2024.

Theo đó, các đơn vị thành viên đãlàm việc trực tiếp với gần 5.000 khách hàng sản xuất có mức tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên để tuyên truyền kế hoạch cung cấp điện 2024, các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, cũng như khuyến khích tất cả các khách hàng ký phụ lục hợp đồng mua bán điện về dịch chuyển giờ sản xuất và tiết giảm công suất khi hệ thống khó khăn trong cung ứng điện năm 2024.

Ngoài ra, EVNNPC cũng đã lập kế hoạch vận hành trong trường hợp thiếu nguồn (sau khi đã thực hiện tất cả các giải pháp nêu trên). Trong đó có phân loại phụ tải, phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh để đưa ra danh sách các phụ tải quan trọng để đảm bảo cấp điện. Trên cơ sở đó lập phương án vận hành khi thiếu hụt công suất và báo cáo UBND các tỉnh phê duyệt.

Theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Do “thiếu năng lực sản xuất”, nên trong năm 2024 dự kiến có nhiều khó khăn trong cung ứng điện, cả về sản lượng (MWh) và công suất đỉnh (MW)… Vì vậy, ngoài thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; hỗ trợ phát triển điện mặt trời quy mô nhỏ (công sở, nhà dân, cơ sở dịch vụ thương mại, khu công nghiệp); áp dụng rộng rãi quản lý phụ tải (DR); tăng cường quản lý theo thời gian thực khả năng truyền tải điện của các đường dây, tăng khả năng truyền tải cung cấp điện ra miền Bắc, chúng ta cần tăng cường khả năng nhập khẩu điện cho khu vực này. Đây cũng là một giải pháp có thể triển khai nhanh và hợp lý, trong điều kiện giá nhập khẩu điện thấp hơn giá kinh doanh điện của EVN.

Theo đó, song song với việc tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng, sớm hoàn thành đường dây 220 kV Nam Sum (Lào) để nhập khẩu khoảng trên 200 MW thủy điện Lào về Việt Nam (khu vực miền Bắc). Trên cơ sở hiện trạng chúng ta đang nhập khẩu khoảng hơn 400 MW từ Trung Quốc qua các đường dây 220 và 110 kV phía Lào Cai, Hà Giang và Quảng Ninh, có thể đàm phán với Công ty Lưới điện Phương Nam – Trung Quốc để nhập khẩu thêm khoảng 200 MW (với 1 tỷ kWh), đặc biệt vào các tháng mùa khô năm 2024./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nguồn: https://nangluongvietnam.vn/

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *