BỨC TRANH VỀ TÌNH HÌNH ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP NĂM 2023 VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP GIỮ ĐÀ PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN

Bức tranh về tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2023 và một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giữ đà phục hồi và phát triển

 

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo.

Kinh tế thế giới năm 2023 tiếp tục gặp khó khăn, biến động nhanh, phức tạp, khó lường dù có dấu hiệu hồi phục nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia. Nhiều quốc gia, trong đó có các đối tác thương mại lớn của nước ta tăng trưởng chậm lại[1], tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhu cầu các nước suy giảm, tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam; các tổ chức quốc tế liên tục thay đổi, điều chỉnh dự báo đối với triển vọng kinh tế thế giới[2]. Hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19 tiếp tục tác động. Xung đột chính trị Nga – Ukraina, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Thiên tai, hạn hán, bão lũ, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng; an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng ngày càng gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Trong nước, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế, xã hội chuyển từ trạng thái thích ứng, phục hồi sang phát triển nhanh và ổn định hơn, tập trung thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội góp phần thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu, hướng đến các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định, kiểm soát lạm phát cùng với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển, giúp Việt Nam tiếp tục là địa điểm hấp dẫn thu hút dòng vốn FDI.

Kết quả triển khai thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng trong thời gian qua đã mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam hợp tác về vốn, công nghệ, mô hình và phương thức quản lý mới, hiện đại, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiến sâu hơn và các thị trường lớn, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh trạnh. Việt Nam thuộc nhóm 5 nước xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào hệ thống của Walmart toàn cầu; cà phê đạt kim ngạch cao nhất trong lịch sử; xuất khẩu quế đứng đầu thế giới. Tờ báo Globely News nhận định Việt Nam rất có tiềm năng để trở thành con hổ châu Á tiếp theo3, IMF dự báo Việt Nam đứng thứ 20 trong danh sách nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm 20244.

Khu vực doanh nghiệp trong nước gặp nhiều hạn chế, khó khăn về thị trường, đơn hàng, đặc biệt thị trường xuất khẩu sụt giảm mạnh, dẫn đến tình trạng cắt giảm quy mô sản xuất và lao động. Tình trạng đơn hàng sụt giảm mạnh ở nhiều ngành xuất khẩu như dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, xi măng, xơ sợi dệt các loại …Việc sụt giảm đơn hàng đã buộc nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, cho người lao động thôi việc, nghỉ việc luân phiên trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 20235.

Điểm nhấn đáng chú ý trong bức tranh về tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2023

Các giải pháp đã được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp; nâng thời hạn visa điện tử cho khách du lịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; công tác an sinh xã hội được quan tâm kịp thời, thiết thực. Do đó, xu hướng tích cực hơn tiếp tục được duy trì và ngày càng rõ nét trong nhiều ngành và lĩnh vực.

Bức tranh về tình hình đăng ký doanh nghiệp trong năm 2023 tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam năm 2023. Quý I/2023 tuy có sự sụt giảm về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (33.905 doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022) nhưng vẫn gấp 1,02 lần so với mức bình quân theo quý giai đoạn 2017-2022 (33.191 doanh nghiệp). Trong các quý tiếp theo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, ban hành nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có đà phục hồi ấn tượng, luôn ở mức trên 40 nghìn doanh nghiệp, là mức cao nhất theo quý từ trước tới nay. Quý IV/2023 có 42.952 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,3 lần so với mức bình quân theo quý giai đoạn 2017-2022.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 (159.294 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022) lần đầu tiên chạm mức kỷ lục, gần 160 nghìn doanh nghiệp. Con số này thực sự ấn tượng khi gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2023 đạt 58.412 doanh nghiệp, qua đó, góp phần đưa số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tiếp tục ở mốc trên 200 nghìn doanh nghiệp (217.706 doanh nghiệp), tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm qua.

Tổng số vốn đăng ký mới của doanh nghiệp gia nhập thị trường có sự cải thiện qua các Quý của năm 2023: 310.331 tỷ đồng trong Quý I; 397.126 tỷ đồng trong Quý II; 379.319 tỷ đồng trong Quý III và Quý IV đã tăng lên mức 434.483 tỷ đồng.

Khó khăn, thách thức trong bức tranh về tình hình đăng ký doanh nghiệp

Quy mô vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp tiếp tục có xu hướng giảm

Theo nghiên cứu của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) thì áp lực dòng tiền tiếp tục nổi lên là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam vẫn có đặc trưng là vốn chủ sở hữu mỏng, các hoạt động dựa nhiều trên vốn vay. Do đó, khi huy động vốn gặp khó khăn, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn ngay lập tức. Trong bối cảnh suy giảm đơn hàng, khó huy động vốn qua trái phiếu, cổ phiếu, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, dòng tiền trở thành vấn đề cấp thiết nhất của doanh nghiệp6. Thực tế cho thấy, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2023 không chỉ giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2022 mà còn là mức thấp nhất trong giai đoạn 2018-2023.

Số vốn bình quân trên một doanh nghiệp trong năm 2023 chỉ đạt 9,55 tỷ đồng, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức thấp nhất kể từ năm 2017 đến nay. Nếu so sánh cùng kỳ năm 2021 và 2020 thì tỷ lệ giảm tương ứng là 30,7% và 42,4%7.

Tuy nhiên, Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất (04 lần năm 2023), tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế, số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong hai tháng cuối năm 2023 lần lượt là 10,77 tỷ đồng (tháng 11) và 11,7 tỷ đồng (tháng 12), đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2022, quay trở lại mốc trên 10 tỷ đồng/doanh nghiệp. Điều này phần nào cho thấy hiệu quả bước đầu từ các chính sách của Chính phủ giúp doanh nghiệp khơi thông nguồn vốn cũng thể hiện niềm tin của doanh nghiệp khi quyết định bỏ vốn vào sản xuất, kinh doanh.

Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có sự gia tăng mạnh mẽ

Khó khăn của doanh nghiệp còn được phản ánh qua sự gia tăng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm 2023 với khoảng 172,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2022, cao nhất kể từ năm 2017 tới nay, so sánh với cùng kỳ năm 2021 và 2020 thì mức tăng lần lượt là 44,0% và 69,7%, gấp 1,7 lần với mức bình quân giai đoạn 2017-2022.

Mặc dù vậy, phần lớn trong số này là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 51,6%). Chỉ có khoảng 10% (18 nghìn doanh nghiệp) thực hiện thủ tục giải thể, thực sự chấm dứt hoạt động và rời khỏi thị trường. Nguyên nhân chính dẫn đến việc giải thể được các doanh nghiệp phản ánh là do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không hiệu quả, doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng; do thị trường có nhiều biến động, cơ cấu tổ chức công ty không kịp thích ứng; công ty gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn kinh doanh, hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả; doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra, đối tác và khách hàng; chi phí kinh doanh cao; khó khăn về mặt bằng để triển khai hoạt động kinh doanh8.

Số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2023

Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2023 đạt 217.706 doanh nghiệp, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,3 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2017-2022 (173.919 doanh nghiệp). 

Doanh nghiệp thành lập mới

Số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2023 là 159.294 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 (132.764 doanh nghiệp). Số vốn đăng ký thành lập trong năm 2023 đạt 1.521.259 tỷ đồng, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2023 là 3.557.901 tỷ đồng (giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 1.521.259 tỷ đồng (giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2022). Có 46.019 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong năm 2023 (giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2022), số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 2.036.642 tỷ đồng (giảm 35,8% so với cùng kỳ năm 2022). Vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp trong năm 2023 đạt 9,55 tỷ đồng, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Có 13/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có: Giáo dục và đào tạo (tăng 27,0%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (tăng 16,8%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (tăng 14,1%); Vận tải kho bãi (tăng 11,8%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 11,8%); Khai khoáng (tăng 9,0%); Xây dựng (tăng 8,4%); Thông tin và truyền thông (tăng 5,8%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (tăng 5,6%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (tăng 5,0%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 4,2%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 2,0%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 1,5%);

Các lĩnh vực ghi nhận số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2022 gồm có: Hoạt động dịch vụ khác (giảm 3,2%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (giảm 9,3%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (giảm 17,0%); Kinh doanh bất động sản (giảm 45%)…

Doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ (từ 0 – 10 tỷ đồng) với 144.460 doanh nghiệp (chiếm 90,7%, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2022), chủ yếu thuộc nhóm ngành Dịch vụ với 119.487 doanh nghiệp, chiếm 75% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 8,3% so với năm ngoái. Nhóm ngành Công nghiệp và Xây dựng có 38.031 doanh nghiệp gia nhập thị trường, chiếm 23,9% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2022. Khu vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ghi nhận 1.776 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 1,1% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Có 3/6 khu vực trên cả nước đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2022:

Trung du và miền núi phía Bắc (7.880  doanh nghiệp, tăng 13,7%); Đông Nam Bộ (67.980 doanh nghiệp, tăng 13,2%); Đồng bằng Sông Hồng (49.377 doanh nghiệp, tăng 8,6%). Các khu vực còn lại ghi nhận số doanh nghiệp đăng ký thành lập giảm so với cùng kỳ năm 2022: Đồng bằng Sông Cửu Long (11.381 doanh nghiệp, giảm 1,3%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (18.690  doanh nghiệp, giảm 6,9%) và Tây Nguyên (3.986 doanh nghiệp, giảm 10,8%).

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2023 là 1.052.575 lao động, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2023 là 58.412 doanh nghiệp, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,4 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 (41.154 doanh nghiệp). 

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 10/17 lĩnh vực, cụ thể: Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (537 doanh nghiệp, tăng 15,2%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (287 doanh nghiệp, tăng 14,3%); Kinh doanh bất động sản (2.270 doanh nghiệp, tăng 9,1%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (994 doanh nghiệp, tăng 9,0%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (4.239 doanh nghiệp; tăng 4,2%); Thông tin và truyền thông (1.170 doanh nghiệp, tăng 3,4%); Khai khoáng (439 doanh nghiệp, tăng 1,6%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (6.827 doanh nghiệp, tăng 1,6%); Giáo dục và đào tạo (1.480 doanh nghiệp, tăng 0,5%); Xây dựng (7.618 doanh nghiệp; tăng 0,4%);

Các lĩnh vực còn lại ghi nhận số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm, gồm có: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (805 doanh nghiệp, giảm 0,7%); Vận tải kho bãi (2.801 doanh nghiệp, giảm 1,0%); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (20.884 doanh nghiệp, giảm 5,5%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (3.036 doanh nghiệp, giảm 9,0%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (459 doanh nghiệp, giảm 10,4%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (3.018 doanh nghiệp, giảm 10,5%); Hoạt động dịch vụ khác (1.548 doanh nghiệp, giảm 11,6%).

Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Trong năm 2023 có 172.578 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 51,6%), cụ thể:

– Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 89.060 doanh nghiệp, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2022. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong năm 2023 có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm với 41.387 doanh nghiệp (chiếm 46,5%); tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) với 78.764 doanh nghiệp (chiếm 88,4%, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2022).

– Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 65.480 doanh nghiệp, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2022. Các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng với 57.554 doanh nghiệp (chiếm 87,9%, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2022).

– Số doanh nghiệp giải thể là 18.038 doanh nghiệp, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 8/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2022. Phần lớn doanh nghiệp giải thể trong năm 2023 có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) với 12.295 doanh nghiệp (chiếm 68,2%) và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 15.568 doanh nghiệp (chiếm 86,3%, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2022).

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 12/2023

Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

Tháng 12/2023 có 13.250 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 155.051 tỷ đồng, tăng 23,0% về số doanh nghiệp và tăng 44,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 12/2023, có 6/06 vùng trên cả nước có số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2022: Đồng bằng Sông Hồng (4.060 doanh nghiệp, tăng 22,5%); Trung du và miền núi phía Bắc (682 doanh nghiệp, tăng 33,5%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (1.494 doanh nghiệp, tăng 2,8%); Tây Nguyên (324 doanh nghiệp, tăng 5,2%); Đông Nam Bộ (5.724 doanh nghiệp, tăng 29,4%); Đồng bằng Sông Cửu Long (966 doanh nghiệp, tăng 27,3%).

Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 12/2023 là 78.457 người, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Tháng 12/2023 ghi nhận có 6.393 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Trong tháng 12/2023, cả nước có 14.355 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có:

– 3.802 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022;

– 8.687 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm 2022;

– 1.866 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2022.

Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giữ đà phục hồi và phát triển

Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tăng trưởng kinh tế dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế; các động lực về đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn, sản xuất kinh doanh, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn, hậu quả và tác động của dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài, cộng hưởng với những khó khăn, thách thức mới từ đầu năm 2023 đến nay.

Do đó, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia và đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng, phát triển đất nước, cụ thể:

  1. Tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ về cắt giảm, đơn giản hóa quy định hoạt động kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
  2. Tập trung phục hồi, phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chíp bán dẫn, để trở thành một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.
  3. Tiếp tục cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực dịch vụ quan trọng như: thương mại, dịch vụ, logistics, vận tải, hàng không … từ đó có cơ sở tập trung đầu tư “làm mới” ngành du lịch theo hướng phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh đi kèm đổi mới các hoạt động quảng bá xúc tiến, truyền thông. Thực hiện chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ trong ngành du lịch.
  4. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị, chuyển đổi số, nâng cao năng suất, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.
  5. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại đã ký kết, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước, tái cơ cấu mặt hàng và thị trường.
  6. Tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Nguồn tham khảo:

https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/

 

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *