Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho ngành khai khoáng Việt Nam hiệu quả hơn, bền vững hơn, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Với ý nghĩa trên, bên cạnh việc nhắc lại nhiều lần các yếu tố về bảo vệ môi trường và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên trong quan điểm và mục tiêu, Quy hoạch cũng đề cập đến những nội dung này trong định hướng phát triển khoa học và công nghệ, trong đó, đẩy mạnh việc chuyển đổi công nghệ, thiết bị trong công tác thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo hướng hiện đại, tiên tiến, tận thu tối đa nguồn khoáng sản, sử dụng tài nguyên theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Nghiên cứu việc sử dụng phương pháp khai thác công nghệ cao trong khai thác đá nhằm hạn chế việc ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan thiên nhiên.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, những năm qua, các quy hoạch liên quan đến thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các nhóm/loại khoáng sản khác nhau đã có đánh giá tác động đến phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, môi trường, đa dạng sinh học, cảnh quan, dịch vệ sinh thái. Đồng thời, các quy hoạch này đã phân tích, đánh giá chủ trương, định hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường và các quy hoạch có liên quan đến khai thác, sử dụng các loại khoáng sản.
Định hướng này phù hợp với quan điểm của Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo Nghị quyết số 10-NQ/TW, công tác quản lý quy hoạch, điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản phải có tầm nhìn chiến lược, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội cả trước mắt, trung và dài hạn; hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia…
Đặc biệt, ngay từ khi xây dựng dự thảo Quy hoạch, Bộ Xây dựng đã nhận được ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc Quy hoạch cần bổ sung, làm rõ quan điểm khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đa mục đích tài nguyên khoáng sản theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trong đó công nghệ khai thác, chế biến hết sức quan trọng và bảo đảm hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ cảnh quan, môi trường.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, không nên khuyến khích việc khai thác, sử dụng khoáng sản làm phá vỡ cảnh quan, môi trường, vì vậy, khi đánh giá trữ lượng, cấp phép khai thác phải kèm theo giải pháp công nghệ, giải pháp môi trường, không để lãng phí tài nguyên khoáng sản.
Không chỉ trong Quy hoạch này, Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó cũng nêu rõ quan điểm và mục tiêu chú trọng bảo vệ môi trường, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Theo đó, phát triển lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản gắn với ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại gắn với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp và phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa các-bon. Đẩy mạnh đầu tư, hình thành ngành khai thác, chế biến đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại phù hợp với xu thế của thế giới.
Đối với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng (bô-xít, titan, đất hiếm, crômit, niken, đồng, vàng), các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực và phải đầu tư các dự án chế biến phù hợp sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường bền vững…
Trong quá trình xây dựng dự thảo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Công Thương cũng nhận được ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc phải cân nhắc hoạt động khai thác khoáng sản với bảo vệ môi trường và phát triển các ngành kinh tế xanh khác để giải quyết bài toán kinh tế và môi trường.
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn